Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Thừa nhận việc xây dựng khi chưa hoàn tất các thủ tục, song đại diện chủ đầu tư cũng cho biết đã gặp nhiều khó khăn do thời gian xin phép kéo dài, chi phí xây dựng, bảo trì tốn kém... 

- Dư luận thời gian qua đặt nhiều câu hỏi xung quanh khu resort tại Vườn quốc gia Ba Vì mà doanh nghiệp đang xây dựng. Vì sao CFTD lại chọn địa điểm này để đầu tư?

- Bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Chánh văn phòng Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (chủ đầu tư dự án Le Mont Bavi Resort & Spa): Sở dĩ chọn như vậy là bởi chúng tôi thấy ở đây còn rất nhiều công trình do người Pháp xây dựng từ trước, như có khu cắm trại, có nhà thờ đổ, nhà đại tá và rất nhiều biệt thự… Khi khai thác như vậy, chúng tôi sẽ chỉ việc tôn tạo và sửa chữa trên các công trình có sẵn, vì xây một ngôi nhà trên núi thì khá vất vả, tốn kém, lại phải tìm hiểu lại địa chất.

- Nhưng công trình được xây dựng khi chưa có phép. Tại sao doanh nghiệp lại vội vã như vậy?

- Chúng tôi ký hợp đồng liên kết với Vườn Quốc gia Ba Vì từ năm 2008, kỳ vọng hoàn thành việc xây dựng để đưa vào khai thác trong vòng 3 năm. Trong thời gian chờ đợi, hoàn tất các thủ tục, chúng tôi bắt tay vào làm rải rác một số hạng mục như trồng cây, thăm dò, bảo tồn... Sau khi hoàn tất các hạng mục hạ tầng, đến năm 2012, CFTD mới xin phép vườn để xây các nhà ở cán bộ công nhân viên và nhà điều hành cho chuyên gia nước ngoài. Đến 2014 thì quy hoạch của Bộ được công bố cho thấy các hạng mục thuộc dự án không cần phải thay đổi gì. 

Trong suốt thời gian đó, CFTD có làm các thủ tục, hồ sơ để gửi qua các cấp như Vườn quốc gia, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, rồi đến các ngành liên quan như như ngành xây dựng, tài nguyên môi trường... để hoàn tất các thủ tục. Mỗi vấn đề liên quan lại có không ít văn bản điều chỉnh, quá nhiều cơ quan quản lý Nhà nước có ý kiến nên mất khá nhiều thời gian.  

Hiện các thủ tục pháp lý của chúng tôi đã hoàn tất khoảng 90% chứ không hẳn chưa có gì mà đã tự ý xây dựng. Hồ sơ xin thủ tục cấp giấy phép cuối cùng chúng tôi đã trình lên lâu rồi nhưng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định, phê duyệt.

- Vậy thực tế, việc đầu tư vào khu resort này đã được thực hiện ra sao?

- Sau khi ký hợp đồng liên kết với Vườn Quốc gia Ba Vì năm 2008, chúng tôi đã thanh toán 8 tỷ đồng, gồm tiền cho 50 năm liên kết, mỗi năm 150 triệu, việc sử dụng hạ tầng chung… 

Ước tính khi lập dự toán cho cả dự án là khoảng 300 tỷ đồng nhưng chia làm 3 giai đoạn. Hiện chúng tôi vẫn ở giai đoạn đầu tiên và đã chi các khoản như thuê đất, trồng cây, đầu tư hạ tầng điện nước, đường giao thông phụ, mời các chuyên gia nước ngoài, tôn tạo các phế tích… CFTD chưa thống kê cụ thể nhưng vào khoảng vài chục tỷ đồng. Trong đó, khoản phải chi nhiều nhất là phần hạ tầng điện nước và giao thông phụ. Còn các căn nhà trong khu nghỉ dưỡng hầu hết chỉ mất chi phí để tôn tạo những ngôi nhà có sẵn từ thời Pháp, không xây mới, làm móng... nên thời gian thi công nhanh, không tốn kém. 

Trong giai đoạn một, ở độ cao 600m, chúng tôi được phép tôn tạo 22 ngôi nhà từ thời Pháp để lại nhưng đến nay mới hoàn tất được 13 ngôi nhà.

chu-dau-tu-resort-ba-vi-8-nam-xay-dung-chi-phi-tang-3-lan

Nhiều căn biệt thự tại resort đã được cải tạo, đưa vào sử dụng. Ảnh: Giang Huy

- Cùng với việc xây dựng, theo tìm hiểu của VnExpress, doanh nghiệp cũng đã bắt đầu khai thác dự án, cho quảng cáo trên một số phương tiện truyền thông. CFTD có thể nói gì về điều này?

- Giai đoạn một của dự án đã hoàn tất nhiều công trình. Tuy nhiên, thực tế là chúng tôi chưa đưa vào khai thác kinh doanh, mới chỉ tiếp khách của nội bộ công ty và khách của Vườn quốc gia Ba Vì giới thiệu nhằm vận hành thử, đào tạo cho người lao động. Chúng tôi cũng dự kiến khi có giấy phép thì mới đưa vào khai thác kinh doanh

Như đã nói là khi ký hợp đồng, chúng tôi kỳ vọng 3 năm hoàn thành nhưng đến nay đã 8 năm trôi qua. Trong thời gian đó, chúng tôi phải tốn không ít tiền duy trì dự án kể cả khi không triển khai hạng mục nào. Hơn nữa, môi trường tại đó rất khắc nghiệt, nếu không tu sửa, sử dụng thường xuyên sẽ xuống cấp nhanh và chi phí bỏ ra tốn kém. 

Ngoài ra là chi phí để trả lương cho cán bộ, chuyên gia cũng gấp tới vài lần. Đó là chưa nói đến chi phí cơ hội bỏ lỡ ở nhiều nơi khác. Trong những năm đó, có những năm lãi suất lên tới 20% thì chúng tôi vẫn phải tập trung vào đây, chi phí gần như gấp 3 lần. 

- Trong trường hợp resort được hoạt động, công ty tính bài toán hiệu quả ra sao?

- Chúng tôi có tính toán nhưng càng tính càng đau đầu vì thời gian đầu tư vừa qua đã kéo dài hơn dự kiến. Nếu hoàn tất thì resort hiện nay chỉ có mấy chục phòng. Trong khi, ở miền Bắc có một đặc điểm là khí hậu khá khắc nghiệt nên trong một năm chỉ kinh doanh được khoảng 5 tháng mà chủ yếu rơi vào mùa thu và hè, mùa xuân và đông thì lạnh và có độ ẩm thấp lớn nên khó khai thác. Trong 5 tháng đó, ngày thường gần như không có khách, chỉ có ngày cuối tuần. Như vậy tính ra, chúng tôi sẽ khó khăn hơn trong việc cân đối để đảm bảo thu bù chi.

Tuy nhiên CFTD cũng nhận thấy tiềm năng của dự án là cảnh quan đẹp, trong lành... và hi vọng sẽ thu hút được du khách như ở Tam Đảo, Đà Lạt, Sapa.... Trong kinh doanh phải thấy được cả cơ hội và rủi ro để khắc phục những hạn chế đó. 

Ngọc Tuyên

Video: Nhật Quang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét