Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

3 tuần qua, giá dầu WTI đã tăng tới 42%, từ 26 USD một thùng lên 37 USD, khiến chứng khoán Mỹ cũng bật lên theo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dư cung kéo dài, Goldman Sachs không cho rằng đà tăng này đã thực sự vững chắc. Trong một báo cáo công bố hôm qua, nhà băng cho rằng đây là "sự tăng giá sớm" của hàng hóa và "không bền vững".

Trên thực tế, Goldman Sachs còn cảnh báo giá dầu tăng có thể gây hại nhiều hơn là làm lợi cho tương lai. "Giá năng lượng cần xuống thấp để duy trì sức ép tài chính, hoàn tất quá trình tái cân bằng. Vì thế, việc tăng giá hiện tại sẽ chỉ phản tác dụng mà thôi", Jeffrey Currie - Trưởng bộ phận hàng hóa tại Goldman cho biết.

Đây chính xác là điều đã xảy ra một năm trước. Giá dầu dường như đã chạm đáy hồi tháng 3, tại 43 USD một thùng. Đến đầu tháng 5, con số này bật lên trên 60 USD. Việc này đã khuyến khích các hãng dầu tăng bơm ra thị trường và khiến giá lại đi xuống.

goldman-sachs-da-tang-cua-dau-se-cham-dut

Giá dầu đã tăng hơn 40% từ giữa tháng 2. Ảnh: Reuters

Lịch sử có thể lặp lại, nếu giá bật tăng khiến các hãng dầu đá phiến thoát áp lực tài chính và tăng sản xuất. Nó sẽ chỉ khiến vấn đề dư cung thêm trầm trọng. Mới tuần trước, số liệu còn cho thấy dự trữ dầu thô Mỹ tăng thêm 3,5 triệu thùng lên tổng cộng 508 triệu thùng.

"Thị trường dầu hiện tại đang dư cung lớn. Giá càng cao, việc cân bằng càng khó, do nguồn cung sẽ tăng trở lại", Goldman cho biết.

Dù vậy, giá hôm qua cũng đã giảm đáng kể. Dầu thô Mỹ mất 3% xuống 36,8 USD một thùng. Trong khi đó, dầu Brent còn 39,65 USD. Chiều nay, giá tăng nhẹ lên lần lượt 36,6 USD và 39,8 USD một thùng.

Dĩ nhiên, công bằng mà nói, hiện tại cũng có rất nhiều lý do người ta có thể lạc quan về giá dầu. Đầu tiên, cơn sốt dầu đá phiến Mỹ đã chậm lại phần nào. Sản lượng dầu thô của Mỹ tháng 12 giảm 2% so với năm ngoái và 4,5% so với đỉnh tháng 4/2015. Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục. Goldman cho rằng sản xuất tại Mỹ năm nay sẽ giảm khoảng 600.000 thùng mỗi ngày.

Thứ hai, các nước sản xuất lớn, như Saudi Arabia hay Nga ít nhất cũng đã bắt đầu đàm phán về hạn chế sản xuất. Giá dầu vẫn đang hưởng lợi khi tâm lý sợ rủi ro đã giảm bớt. Nhà đầu tư không còn lo ngại Trung Quốc hạ cánh cứng nữa. Và kinh tế Mỹ cũng tốt hơn dự báo.

Goldman tin rằng các yếu tố này sẽ giúp biến tình trạng dư cung thành thiếu hụt. Nhưng không phải bây giờ. "Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ tái cân bằng trong năm nay và đến cuối năm sẽ thành thiếu hụt. Nhưng dấu hiệu về khả năng thiếu hụt là không đủ để duy trì đà tăng bền vững", nhà băng này kết luận.

Hà Thu (theo CNN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét